Cách Hậu Kỳ Âm Thanh Podcast

Hậu kỳ âm thanh là công đoạn chỉnh sửa lại âm thanh sau khi thu âm. Việc hậu kỳ âm thanh Podcast là vô cùng quan trọng để các thính giả có thể tận hưởng nội dung tốt nhất. Vậy cần hậu kỳ Podcast thế nào?

11/16/20224 min read

Các yếu tố nào trong podcast các bạn để tâm nhất: Nội dung, Âm thanh, Người đọc?

Với mình cả ba giống như cái kiềng ba chân tạo nên một bản podcast xịn xò. Chỉ cần thiếu một trong 3 thì bản podcast đó bị thiếu chỉn chu. Ở bài viết này vấn đề Nội dung và Người đọc mình sẽ không bàn tới. Mình sẽ nói về phần âm thanh cụ thể là phần hậu kỳ audio podcast như thế nào.

I. ĐẦU VÀO QUYẾT ĐỊNH 80-90% ĐẦU RA.

Có nghĩa là khi các bạn thu vào đủ tốt các bạn không cần phải xử lý gì cả nó vẫn hay. Vấn đề ở đây là thu thế nào là tốt.

1. Tỉ lệ giữa tiếng ồn và tín hiệu thu vào

  • Khi tỉ lệ này càng lớn thì tín hiệu thu vào của các bạn càng tốt.

  • Khi noise thấp hơn tín hiệu rất nhiều các bạn có thể khử noise 1 cách dễ dàng hơn.

2. Các vấn đề phát âm

  • Các âm bật (p), âm xuýt (s) cần được lưu ý vì những âm thanh này nghe khó chịu và xử lý tốn khá nhiều thời gian

  • Các vấn đề về phát âm như lỗi chính tả, hụt hơi, dính chữ, ngọng, nghẹt mũi là vô phương cứu chữa. Nên cần phải kỹ ngay từ ban đầu.

  • Tiếng bong bóng khi chép miệng là một việc nên hạn chế ngay từ đầu vào. Có những tiếng bong bóng nó sẽ dính vào cả chữ lúc mình đang nói ra.

3. Các vấn đề liên quan đến tạp âm:

  • Tiếng lật giấy, quần áo, trang sức là những âm thanh không nên có trong audio. Hãy nói hết câu trước khi lật giấy, không nên vung tay chân hoặc phủi quần áo khi đang thu, tuyệt đối không mang trang sức tạo ra tiếng.

  • Độ vang nơi thu là một vấn đề cũng cần đặc biệt quan tâm. Khi các bạn thu ở một nơi có nhiều tiếng vang thì nó sẽ quay ngược trở lại đi vào micro của bạn. Nếu cần vang mình sẽ ưu tiên cho việc ở hậu kỳ. Còn khi thu nên hạn chế tối đa.

4. Không được clip:

  • Nên canh âm thanh thu vào vừa phải không được nghe tiếng của mình thu vào bị tét, xé.

II. CÁC BƯỚC HẬU KỲ ÂM THANH PODCAST

Không phải lúc nào chúng ta cũng phải cần chỉnh sửa, cắt ghép file thu âm. Mà tùy vào audio thu được chất lượng như thế nào. Nếu audio thu được đã đủ chuẩn chỉnh rồi thì không cần hậu kỳ quá nhiều.

Hậu kỳ chúng ta cần biết cách sử dụng phần mềm thu âm (hay còn gọi là DAW). Hiện nay có nhiều phần mềm có thể giúp ta hậu kỳ được ví dụ như: Studio One, Cubase, Nuendo hoặc phần mềm free Cakewalk, Bandlab. Các bạn nên tìm hiểu cách sử dụng các phần mềm này để vừa có thể thu vừa có thể hậu kỳ. Dưới đây là 1 quy trình mà mình dùng để xử lý audio cho podcast, sách nói cũng như các dự án TVC, Viral.

1. Khử noise: Lọc noise là việc ưu tiên hàng đầu. Chúng ta cần có một audio sạch sẽ trước khi muốn làm những bước tiếp theo. Các bạn có thể tham khảo các phần mềm: Denoise (của hãng Waves), RX-Voice Denoise (của Izotope).

2. Khử tiếng chép miệng: các bạn có thể tham khảo phần mềm RX-De-mountclick (của Izotope)

3. Khử các âm bật: RX-De Plosive

4. Sử dụng compressor để nén nhẹ lại cho sự thay đổi giữa âm thanh lớn và âm thanh nhỏ giảm đi. Điều này sẽ giúp giọng các bạn nghe sẽ rõ dù ở âm lượng nhỏ. Nhớ tăng makeup gain lên lại sau khi nén nhé.

5. Sử dụng EQ để tùy chỉnh độ sáng tối của giọng. Ví dụ giọng bạn tối có thể sử dụng EQ cắt bớt tần thấp và tăng tần số cao lên.

6. Khử âm xuýt: RX- De-ess để không tạo ra các âm thanh khó chịu khi phát âm các chữ "S" "ES"

7. Sử dụng Limiter để ngăn chặn các âm thanh không bị vỡ.

Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề cần xử lý. Nhưng ở bài viết này mình không thể nói hết được. Hy vọng có thể chia sẻ với các bạn ở những bài viết sau. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này 😉